Theo nhận định mới đây của SSI Research, nguồn cung khan hiếm khiến giá bất động sản tại Hà Nội và TP.HCM đều tiếp tục neo cao, bất chấp thanh khoản thị trường sụt giảm.
Những thách thức của thị trường bất động sản
Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong 5 tháng đầu năm 2022, số tiền thuế thu nhập cá nhân thu được từ giao dịch chuyển nhượng bất động sản đạt 16 nghìn tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ, trong khi cả năm 2021 là 21 nghìn tỷ đồng và năm 2020 là 16 nghìn tỷ đồng.
Trước những quy định sửa đổi gần đây để thị trường minh bạch hơn, nhiều giao dịch bất động sản phải kê khai mức giá chịu thuế hợp lý hơn dưới sự hướng dẫn của cơ quan thuế. Tuy nhiên, điều này có thể có tác động lớn đến thị trường bất động sản, vì các hoạt động đầu cơ sẽ được giám sát chặt chẽ hơn, khiến số lượng giao dịch tiềm năng giảm bớt.
Các chuyên gia bất động sản đều đồng tình cho rằng, các động thái như kiểm soát tín dụng bất động sản, hạn chế tách thửa tại một số địa phương hay tăng cường chống thất thu thuế là cần thiết để điều tiết thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, theo TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cao cấp Savills Việt Nam, có hai vấn đề cốt lõi cần quan tâm tại thị trường bất động sản Việt Nam là pháp lý và dòng tiền. Trong đó, ông Khương cho rằng, điểm nghẽn lớn cho bất động sản, nhất là với bất động sản nhà ở không phải là dòng tiền mà ở pháp lý. Đây là yếu tố đẩy chi phí đầu vào, làm tăng giá trị của nhà ở khi giá trị thật không có.
“Cần có giải pháp đồng bộ từ khơi thông vốn đến khơi thông pháp lý mới có thể tháo gỡ cục diện khó khăn hiện nay cho thị trường địa ốc”, ông nhận định.
Theo báo cáo mới nhất của CTCP Chứng khoán SSI (SSI), trong bối cảnh việc sửa đổi Luật Đất đai vẫn còn đang trong quá trình cân nhắc và có thêm nhiều quy định đặt ra cho việc phát hành trái phiếu của chủ đầu tư, nguồn cung mới cho các dự án bất động sản và chung cư, nhà thấp tầng sẽ tiếp tục bị hạn chế, rất ít sản phẩm mới được tung ra thị trường.
Thực tế, theo số liệu từ Bộ Xây dựng, trong quý I/2022, số lượng dự án nhà ở thương mại được cấp phép mới giảm 59% so với cùng kỳ.
Do thiếu hụt nguồn cung mới, giá bán sơ cấp tại các khu vực đô thị trọng điểm như Hà Nội và TP.HCM tiếp tục tăng. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường giảm sút với số lượng giao dịch trong quý I/2022 ghi nhận ở mức 20.325 giao dịch, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
SSI cho rằng, để thị trường phát triển bền vững thì bong bóng bất động sản ở một số tỉnh cần được hạ nhiệt. Trong giai đoạn 2021 – 2022, do nhu cầu đầu tư vào sản phẩm bất động sản tăng cao, giá bất động sản tại nhiều khu vực trên khắp cả nước tăng lên đáng kể. Ví dụ giá đất ở Lâm Đồng và Bình Phước đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba trong khoảng thời gian từ 1 – 1,5 năm, kể cả ở những nơi chưa có cơ sở hạ tầng phát triển.
Do đó, chính quyền địa phương ở một số địa phương đã ngừng cấp phép cho đất nông nghiệp, đất ở chia thành nhiều thửa đất nhỏ, điều này giúp hạ nhiệt thị trường và ngăn chặn tình trạng bong bóng nhà đất.
Giá bán nhà tiếp tục neo cao
Đồng thời, giá bán tại nhiều dự án đô thị vùng ven đã tăng chóng mặt do các tin tức liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng. Vào đầu năm, Bộ Giao thông vận tải đã công bố khoản 304,1 nghìn tỷ đồng cho kế hoạch đầu tư công trung hạn, nhằm thực hiện các dự án chuyển tiếp, xử lý dứt điểm nợ tồn đọng thuộc nghĩa vụ ngân sách nhà nước và khởi công các dự án mới trong kế hoạch đầu tư công trung hạn trong giai đoạn 2021 – 2025. Khu vực miền Nam sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ kế hoạch trung hạn, với nhiều đường cao tốc, các dự án sân bay quốc tế,…