Thanh khoản èo uột, vì sao bất động sản vẫn khó giảm?

4

Sau Tết Nguyên đán, tình trạng nhiều dòng tiền liên tục đổ dồn vào bất động sản đã làm cho giá đất ở nhiều địa phương trên cả nước tăng lên chóng mặt, bắt nguồn từ nỗi lo lạm phát, nhiều người tìm đến bất động sản làm nơi trú ẩn. Cơn sốt đất lúc bấy giờ xuất hiện ở các tỉnh như Bình Phước, Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Trị, Bắc Giang, Bắc Ninh… và nhiều khu vực xung quanh TP. HCM, Hà Nội. Tuy nhiên, ở giai đoạn hiện tại, các cơn sốt đất đã được kiểm soát nhưng đã tạo ra nghịch lý, dù thanh khoản thấp nhưng giá bất động sản vẫn tăng.

Anh Đỗ Tiến, nhà đầu tư tại Hà Nội chia sẻ, thời gian qua, khi biết được thông tin bất động sản đã hạ nhiệt, anh cũng đi khảo giá thử ở một vài khu vực. Nếu tìm được mảnh đất ưng ý, anh Tiến sẽ xuống tiền mua.

“Tôi đi khảo giá ở Bắc Giang, ven Hà Nội, Thái Nguyên,… nhận ra một nghịch lý dù các phòng môi giới bất động sản vắng khách, giao dịch thành công hiếm nhưng mức giá vẫn tăng so với Tết Nguyên đán từ 7 – 10%”, anh Tiến nói.

Anh Tùng, môi giới bất động sản lâu năm tại Hà Nội cho biết, hiện nay mới là thời điểm đầu của giai đoạn mới nên nhiều người vẫn chưa có quá nhiều áp lực tài chính. Do đó, họ vẫn hét giá cao nếu có người mua thì sẽ bán.

“Hiện nay, đã xuất hiện tình trạng cắt lỗ, nhưng đến từ những nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính, mảnh đất có vị trí xấu,… Tuy nhiên, vẫn chưa xảy ra hiện tượng bán tháo. Còn những mảnh đất vẫn được hét giá tăng lên thường của những người chưa có nhu cầu bán, họ vẫn nói giá cao nếu có người ưng thì sẽ bán, không thì vẫn để đấy”, anh Tùng nêu.